(Cinet-DTV)-Người Nùng có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và qua các quan hệ xã hội…
Tên tự gọi: Nùng
Tên gọi khác: Nùng Giang, Nùng Phàn Sình, Nùng An…
Nhóm địa phương: Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín…
Dân số: 968.800 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố (Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai), cùng nhóm với tiếng Tày, tiếng Thái…. Người Nùng dùng chữ Nôm Nùng, chữ Hán để ghi chép gia phả, bài cúng, bài hát.
Địa bàn cư trú: Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn (32,4%), Cao Bằng (16,3%), Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai.
Tết: Người Nùng ăn Tết giống người Tày và Việt. Lễ hội tiêu biểu là “Lùng Tùng” (xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Lịch sử: Người Nùng đến lập nghiệp ở nước ta cách đây 200 – 300 năm..
Văn hóa: Người Nùng có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và qua các quan hệ xã hội… Người Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng Lạng Sơn hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần lên xứ Lạng. Người ta thường Sli với nhau trong những ngày hội, ngày lễ, ngày chợ phiên, thậm chí ngay trên tàu, trên xe. Hát soong hao được tiến hành chủ yếu vào mùa xuân, từ những phiên chợ đầu năm đến những phiên chợ cuối cùng của tháng ba âm lịch. Hát soong hao ở Lục Ngạn đông vui nhất vào những ngày mùng tám
Then là làn điệu dân ca tổng hợp có lời, có nhạc, có kiểu trang trí, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai Nùng khi ở xa quê hương.
Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính của người Nùng là lúa và ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi. Người Nùng còn trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như quýt, hồng… Hồi là cây quí nhất của người Nùng, hàng năm mang lại nguồn lợi đáng kể.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Nùng còn làm thêm nhiều nghề thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ thì trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm…; Nam giới làm rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương… Người Nùng rất khéo léo và cần cù, sản phẩm làm ra ngoài phục vụ nhu cầu hàng ngày còn được trao đổi, bán cho các tộc người lân cận.